Tác dụng phụ của hóa trị/xạ trị: Cách khắc phục thông qua chăm sóc dinh dưỡng đúng cách
12:09 - 15/04/2020
Làm thế nào để khắc phục được các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị thông qua chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, nhằm nâng cao khả năng đáp ứng điều trị và phục hồi? Hãy cùng tìm hiểu và thực hiện nhé.
Khi bạn mắc bệnh ung thư, đặc biệt là khi bạn đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị, việc ăn uống có thể trở thành một thách thức không nhỏ do các tác dụng phụ phổ biến như:
- Khô miệng, đau miệng
- Thay đổi vị giác
- Chán ăn, ăn không ngon
- Sụt cân
- Tiêu chảy
- Táo bón
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, đây là lúc cơ thể bạn cần được cung cấp đủ lượng protein và các dưỡng chất khác để luôn khỏe mạnh và nâng cao khả năng chống chọi với căn bệnh.
Nếu bạn đang băn khoăn làm thế nào để bệnh nhân ung thư khắc phục được các tác động xấu đến tình trạng dinh dưỡng do tác dụng phụ của điều trị ung thư, nhằm nâng cao thể trạng, đáp ứng tốt với điều trị và phục hồi nhanh chóng?
Bài viết này là dành cho bạn.
Bài viết này sẽ giải thích những triệu chứng và tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc ăn uống mà bệnh nhân ung thư có thể gặp phải. Bạn cũng sẽ tìm thấy những lời khuyên thiết thực giúp giảm nhẹ những khó khăn về ăn uống và tìm ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý để ăn ngon và khỏe mạnh hơn trong quá trình điều trị ung thư.
Hãy cùng tìm hiểu và thực hiện nhé.
Các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị và xạ trị
Khi bạn khỏe mạnh, việc ăn uống để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và calo cho cơ thể không phải là một vấn đề. Nhưng với bệnh nhân đang điều trị ung thư, đây là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ hoặc cảm thấy không khỏe. Vì vậy, bệnh nhân ung thư cần phải thay đổi chế độ ăn uống để giúp tăng cường thể trạng và chịu được những tác động tiêu cực của bệnh ung thư và quá trình điều trị bệnh.
Điều trị ung thư thông thường bao gồm các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu các tác dụng phụ của từng phương pháp điều trị ảnh hưởng đến việc ăn uống của bệnh nhân ung thư.
Tác dụng phụ của Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng nó cũng có thể gây hại cho các tế bào khỏe mạnh đang phát triển và phân chia nhanh chóng. Các tế bào dễ bị tổn thương nhất là xương tủy, tóc và niêm mạc của đường tiêu hóa, bao gồm cả miệng, thực quản, dạ dày và ruột. Điều này có thể dẫn đến viêm niêm mạc - loét miệng, sưng và đau, một triệu chứng bất kỳ hoặc tất cả đều có thể gây khó khăn khi ăn.
Nhiều loại thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bệnh nhân. Chúng có thể gây buồn nôn và ói mửa, giảm cảm giác thèm ăn, tiêu chảy, táo bón, tăng hoặc giảm cân và thay đổi vị giác.
Một số vấn đề về ăn uống bệnh nhân thực hiện phương pháp hóa trị có thể gặp phải bao gồm: thay đổi khẩu vị, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, đau miệng, khó nuốt, tăng cân, giảm cân.
Tác dụng phụ của Xạ trị
Trong xạ trị, bức xạ được hướng vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Trong khi tất cả các tế bào bị ảnh hưởng bởi bức xạ, hầu hết các tế bào khỏe mạnh sau đó thường có thể phục hồi. Các loại tác dụng phụ gây ra do bức xạ phụ thuộc vào vị trí của cơ thể được điều trị, kích thước của khu vực được điều trị, loại và tổng liều phóng xạ, và số lần điều trị.
Nếu bệnh nhân có khối u trong hoặc gần miệng, và sử dụng xạ trị thì nó có thể ảnh hưởng đến vị giác.
Nếu xạ trị ở vùng đầu và cổ có thể gây khó nuốt, thay đổi vị giác, khô miệng hoặc đau nhức ở miệng hoặc cổ họng. Nếu xạ trị ở vùng ngực có thể gây khó nuốt. Nều điều trị ở vùng đến dạ dày, vùng bụng hoặc xương chậu có thể gây buồn nôn và ói mửa, tiêu chảy, chuột rút và đầy hơi.
Các buổi xạ trị hàng ngày có thể kéo dài đến tám tuần. Hành trình đến và về từ bệnh viện, có thể làm cạn kiệt năng lượng của bệnh nhân, vì vậy bệnh nhân có thể cảm thấy quá mệt mỏi, dẫn đến chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
Khi bệnh nhân xạ trị ở vùng đầu, cổ, ngực hoặc thực quản, thì có thể gặp các vấn đề về ăn uống như: thay đổi khẩu vị của bạn, khô miệng, đau miệng, đau họng, các vấn đề về răng và hàm, khó nuốt,
Khi bệnh nhân xạ trị vùng bụng hoặc xương chậu thì có thể gặp vấn đề với: chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Mỗi bệnh nhân sẽ gặp phải những tác dụng phụ khác nhau phụ thuộc vào phương pháp và liều điều trị nhận được và liệu bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe khác không (ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận hoặc tim). Các tác động tiêu cực này có thể dẫn đến tình trạng khó ăn, chán ăn, cảm thấy no sau khi ăn chỉ một lượng nhỏ, hoặc mất cảm giác ngon miệng hoàn toàn.
Tình trạng dinh dưỡng kém có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và suy kiệt ở bệnh nhân, đồng thời ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong của bệnh nhân ung thư.
===>>> Tham khảo thêm:
https://chinhan.web4s.vn/kinh-nghiem-cham-soc-dinh-duong-cho-benh-nhan-ung-thu-phan-1.html
Do vậy, cần có biện pháp để khắc phục các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư duy trì cân nặng lý tưởng và có đủ năng lượng để đáp ứng điều trị bệnh cũng như nâng cao khả năng phục hồi.
Bí quyết khắc phục tác dụng phụ do hóa trị và xạ trị
Dưới đây là danh sách các tác động tiêu cực phổ biến mà điều trị ung thư có thể gây ra.
- Khô miệng hoặc đau miệng
- Giảm cân
- Thay đổi vị giác
- Nôn và Buồn nôn
- Tiêu chảy
Vui lòng cho bác sĩ hoặc y tá của bạn biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trước khi áp dụng những khuyến nghị sau đây.
Bí quyết cải thiện các vấn đề khoang miệng
Một số vấn đề phổ biến về khoang miệng do biến chứng điều trị ung thư bao gồm:
- Khô miệng
- Đau miệng: vết loét trong miệng
- Sâu răng
- Thay đổi vị giác: cảm thấy vị đắng, kim loại
- Viêm lợi, viêm lưỡi
- Hạn chế vận động hàm
Biện pháp khắc phục các vấn đề khoang miệng
- Kiểm tra nha khoa thường xuyên. Gặp nha sĩ để được tư vấn về vệ sinh răng miệng ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình điều trị. - Vệ sinh răng, miệng, lợi, lưỡi sạch sẽ. Đánh răng, chải lưỡi sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Giữ răng và lưỡi sạch sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp ngăn ngừa áp xe gây đau đớn hoặc loét miệng bị nhiễm trùng.
- Kiểm tra miệng hàng ngày: cần kiểm tra các vấn đề về miệng bao gồm đau miệng, nhiễm trùng, các vết đốm trắng trong miệng.
- Giữ miệng ẩm ướt bằng cách uống nước liên tục, và uống từng ngụm nhỏ trong ngày.
- Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng không đường, trái cây đông lạnh. Chúng sẽ giúp làm ẩm miệng và tăng tiết nước bọt.
- Sử dụng gel hoặc xịt tạo nước bọt (Xerostom)
- Sử dụng bàn chải răng mềm mại, có thể làm phần lông chải mềm hơn bằng việc sử dụng nước ấm.
- Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride.
- Sử dụng gel chữa viêm, loét miệng. Loại gel này (ví dụ: Orabase) giúp cung cấp một lớp phủ bảo vệ làm dịu và chữa lành niêm mạc miệng của bạn.- Thường xuyên sử dụng nước súc miệng. Nước súc miệng giữ miệng sạch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nước súc miệng có thành phần gây tê đặc biệt, có thể giúp giảm đau miệng.
Sản phẩm dược sỹ gợi ý
- Không sử dụng các vật phẩm có thể làm tổn thương hoặc bỏng miệng như: nước súc miệng có chứa cồn, tăm xỉa răng hoặc các vật sắc nhọn, thuốc lá, bia, rượu.
- Tập các cơ hàm: Mở và đóng miệng 20 lần nếu người bệnh không cảm thấy đau. Tập các động tác này 3 lần mỗi ngày ngay cả khi không bị cứng hàm.
- Hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau. Bác sĩ có thể đề nghị viên ngậm hoặc thuốc xịt làm tê miệng khi ăn.
- Chọn thực phẩm dễ nhai và dễ nuốt. Ăn thực phẩm ấm hoặc thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Hãy thử các món ăn nấu chín mềm hoặc súp.
- Ăn miếng nhỏ, nhai chậm và uống từng ngụm dung dịch nhỏ.
- Tránh thực phẩm gây đau, tổn thương miệng như các loại thực phẩm khô hoặc thô, thực phẩm cay nóng.
Tìm hiểu thêm về các sản phẩm giúp khắc phục các vấn đề khoang miệng TẠI ĐÂY.
Danh sách các sản phẩm bạn nên và không nên sử dụng khi có vấn đề khoang miệng:
Thực phẩm nên dùng | Thực phẩm nên tránh |
Thực phẩm mềm: Gà và cá nấu chín mềm hoặc xay nhuyễn Súp Ngũ cốc nấu chín Bánh mì, bánh quy giòn, và các loại bánh nướng khác cần nhúng vào sữa hoặc trà Thực phẩm lạnh: Sữa lắc, sinh tố. | - Thực phẩm khô, cứng, dạng thô. - Thực phẩm nóng. - Thực phẩm cay như sốt cay, cà ri, sốt salsa và ớt. - Quả và nước trái cây giàu acid như cà chua. Quả họ cam chanh, nho. - Đồ uống có cồn, và đồ uống có lượng đường cao. |
Bí quyết khắc phục tình trạng giảm cân
Giảm cân ngoài ý muốn ở bệnh nhân ung thư khác so với các loại giảm cân khác vì nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi trao đổi chất gây ra bởi khối u. Giảm cân cũng có thể là do tác dụng phụ của điều trị ung thư, chẳng hạn như buồn nôn và ói mửa, tiêu chảy, chán ăn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng 57% người bệnh giảm cân trước khi bắt đầu điều trị, 95% trong số đó giảm cân không chủ ý. Người bệnh giảm cân trước khi điều trị có nguy cơ tiếp tục giảm cân cao hơn so với người bệnh có tình trạng dinh dưỡng bình thường.
Nhiều người bị ung thư giảm cân trong quá trình điều trị. Điều này có thể dẫn đến hiệu quả điều trị kém cho bệnh nhân ung thư, bao gồm giảm đáp ứng với điều trị, nhiều biến chứng và nhiễm trùng, chất lượng cuộc sống thấp hơn, và giảm tỷ lệ sống.
Trị liệu cho giảm cân ở bệnh nhân ung thư, do đó, cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
Biện pháp khắc phục
Một số mẹo để cải thiện tình trạng giảm cân ở bệnh nhân ung thư.
- Ăn 5 hoặc 6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn.
- Ăn theo lịch trình, thay vì chờ đợi cho đến khi bạn cảm thấy đói. Bạn vẫn cần ăn ngay cả khi bạn không cảm thấy đói khi đang điều trị ung thư.
- Ăn thực phẩm giàu protein, và calo.
- Làm phong phú các loại thực phẩm bạn ăn. Ví dụ: thêm thịt băm, cá, trứng, hoặc đậu phụ vào cháo, thêm sữa đặc, đường hoặc nho khô vào bột yến mạch, uống sữa hoặc sữa đậu nành thay vì nước lọc hoặc trà.
- Ăn các bữa ăn lỏng như sữa lắc, sinh tố, nước ép hoặc súp nếu bạn không cảm thấy muốn ăn thực phẩm đặc.
- Trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng của bạn để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cụ thể, và các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cá nhân người bệnh.
Bên cạnh đó,
Nếu bệnh nhân đang bị giảm cân, và
Bệnh nhân cảm thấy áp lực và khó khăn để duy trì chế độ ăn nhiều bữa một ngày như khuyến nghị của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Làm thế nào để bệnh nhân vừa có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, vừa cảm thấy dễ chịu hơn?
Mẹo bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng là một giải pháp nhanh chóng và tiện lợi để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.
Các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng này đóng vai trò như bữa ăn thay thế cho những bữa bị chán ăn, ăn không ngon miệng, khó nuốt. Bệnh nhân có thể kết hợp đan xen các bữa ăn chính và bữa ăn thay thế trong ngày.
Trước và trong thời gian điều trị bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ năng lượng. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị đối với người bệnh có thể trạng bình thường là 25-30 kcal/kg/ngày theo khuyến cáo của ESPEN và 30-35 Kcal/kg/ngày theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị đối với người bệnh bị giảm cân, suy kiệt thì nên tính nhu cầu năng lượng theo cân nặng thường có, sau đó nên tăng từ từ cho đến khi đạt được nhu cầu khuyến nghị theo cân nặng lí tưởng.
Protein rất cần thiết trong việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, cần có protein đề xây dựng nên các tế bào mới liên tục thay thế cho các tế bào cũ chết đi theo chu kỳ bình thường của tế bào. Bên cạnh đó, protein còn tham gia vào các chức năng miễn dịch, các loại hormone. Chế độ dinh dưỡng thiếu protein có thể dẫn đến tử vong vì suy kiệt, vì thiếu sức đề kháng, vì thiếu năng lượng trước khi tử vong vì ung thư. Do đó, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn cung cấp đầy đủ protein cho cơ thể. Protein khuyến nghị đối với người bệnh là 1,2g-2g/kg cân nặng/ngày, hoặc năng lượng cung cấp từ protein chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng khuyến nghị.
Đồng thời, một số nghiên cứu đã chỉ ra bổ sung 2g EPA/ngày cho bệnh nhân ung thư giúp ngăn ngừa hội chứng suy mòn trong đó bao gồm tình trạng giảm cân không chủ ý của người bệnh. EPA là một loại axit béo omega-3, có tác dụng giảm các thay đổi trong trao đổi chất và tiền viêm phản ứng có liên quan đến giảm cân do ung thư. Tiêu thụ sản phẩm bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống (sữa dinh dưỡng) có chứa EPA đã được chứng minh là giúp đem lại những kết quả khả quan như tăng cân, duy trì khối lượng cơ thể hợp lý, giảm gián đoạn điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Do đó, bệnh nhân nên tiêu thụ các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng có chứa EPA và có hàm lượng protein cao để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể chống chọi và chiến thắng bệnh ung thư. Lưu ý: Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu thêm trước khi áp dụng các khuyến nghị trong bài viết này.
Có rất nhiều sản phẩm bổ sung dinh dưỡng có ích bệnh nhân có thể sử dụng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
- Các loại sữa dinh dưỡng có chứa EPA cùng hàm lượng calo và protein cao. Có thể pha sữa với nước, hoặc trộn vào các loại thực phẩm hoặc đồ uống khác (như sinh tố trái cây).
- Thanh năng lượng (energy bar): đây là đồ ăn lý tưởng để tăng năng lượng và giảm mệt mỏi, lại ngon và tiện lợi. Bạn nên dự trữ những thanh năng lượng này trong nhà, trong túi xách, tại cơ quan để có thể sử dụng bất cứ thời điểm nào trong ngày.
- Các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất: chúng có thể giúp ích nếu bệnh nhân lo lắng về việc thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu vì bệnh nhân đang ăn ít hơn. Nhưng luôn cần kiểm tra với bác sĩ điều trị trước để đảm bảo rằng bạn chọn đúng chất bổ sung và tránh bất kỳ loại nào có thể không phù hợp với tình hình điều trị của bạn.
Tìm hiểu thêm về các sản phẩm giúp bổ sung dưỡng chất cho bệnh nhân ung thư TẠI ĐÂY
Sản phẩm dược sỹ gợi ý
Biện pháp khắc phục tình trạng nôn và buồn nôn
Triệu chứng buồn nôn hay nôn có thể xuất hiện ở những người bệnh điều trị bằng tia xạ. Buồn nôn cũng có thể là tác dụng phụ của phẫu thuật, hóa trị, và liệu pháp miễn dịch.
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn nôn, nôn phụ thuộc vào khu vực được điều trị. Triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân do việc cung cấp không đủ năng lượng, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng do không bù đủ lượng dịch mất đi do nôn.
Biện pháp cải thiện tình trạng nôn và buồn nôn:
- Tránh ăn 1 đến 2 giờ trước khi hóa trị và tối đa 3 giờ sau khi hóa trị.Điều này giúp ngăn ngừa cảm giác ngấy gây ra do buồn nôn và nôn mửa.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ngay cả khi bạn không cảm thấy đói, bạn vẫn nên ăn
- Ăn thường xuyên, ăn chậm, nhai kĩ.
- Chọn thực phẩm hấp dẫn bạn. Đừng ép bản thân ăn bất kỳ thực phẩm nào làm bạn cảm thấy không thích.
- Tránh thực phẩm cay, chiên, ngọt và chứa hàm lượng chất béo cao.
- Uống nước, hoặc đồ uống khác giữa các bữa ăn. Ăn uống cùng một lúc có thể làm cho bạn cảm thấy đầy hơi.
- Không ăn thực phẩm quá nóng, nhiệt độ thức ăn nên ở nhiệt độ phòng.
- Tránh những nơi có mùi mạnh. Ăn uống với bạn bè hoặc gia đình cũng có thể giúp bạn phân tâm khỏi chứng buồn nôn. Mặc quần áo rộng để thoải mái.
- Ăn bánh mì nướng khô hoặc bánh quy giòn trước khi ra khỏi giường, nếu bạn bị buồn nôn vào buổi sáng.
- Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như nước dùng hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa như nướng khô hoặc dạng thạch.
- Tập cách thở và thư giãn khi cảm thấy buồn nôn.
- Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá nếu bạn cần thuốc chống nôn.
Biện pháp cải thiện tình trạng mất hoặc thay đổi vị giác
Một trong những thách thức lớn nhất của người bệnh ung thư trong việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý là tình trạng chán ăn, thay đổi vị giác.
Vị giác của bạn được tạo thành từ 5 cảm giác chính. Đó là vị mặn, ngọt, cay, đắng và chua. Vị giác của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi hóa trị, xạ trị và các loại thuốc khác.
Thay đổi vị giác là một tác dụng phụ phổ biến của hóa trị. Khoảng một nửa số người được hóa trị có sự thay đổi vị giác, thường chỉ kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần sau khi điều trị kết thúc.
Xạ trị vùng cổ và đầu có thể làm tổn thương các nhú vị giác và tuyến nước bọt, gây ra thay đổi vị giác. Nó cũng có thể gây ra những thay đổi về khứu giác. Thay đổi về khứu giác có thể ảnh hưởng đến mùi vị thực phẩm. Thay đổi vị giác do xạ trị thường bắt đầu cải thiện từ 3 tuần đến 2 tháng sau khi kết thúc điều trị.
Một số loại thuốc khác cũng có thể gây ra thay đổi vị giác, bao gồm một số loại thuốc opioid được sử dụng để giảm đau, chẳng hạn như morphin, hay thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng.
Một số tình trạng thay đổi khẩu vị phổ biến bao gồm:
- Thực phẩm có thể có vị khác so với trước đây, đặc biệt là thực phẩm có vị đắng, ngọt và mặn.
- Một số thực phẩm có vị nhạt nhẽo.
- Cảm thấy mọi thực phẩm đều có hương vị giống nhau.
- Cảm thấy thực phẩm có vị kim loại hoặc cảm thấy hóa chất trong miệng, đặc biệt là sau khi ăn thịt hoặc các thực phẩm giàu protein khác. Sự thay đổi này thường được cho là có liên quan đến tình trạng thiếu kẽm sau khi hóa trị.
- Không chịu được một số mùi vị vốn rất bình thường trước đây, đặc biệt không chịu được vị đắng (ví dụ sô cô la và cà phê).
Vượt qua tình trạng chán ăn do thay đổi vị giác bằng cách nào?
- Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn như nước súc miệng Biotene trước bữa ăn có thể giúp ngăn chặn mùi vị lạ trong miệng.
- Giữ răng miệng sạch khỏe bằng cách đánh răng thường xuyên (tốt nhất trước và sau khi ăn) và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
- Hãy cân nhắc uống bổ sung kẽm sulfate vì có thể cải thiện khẩu vị ở một số người: Tình trạng thiếu kẽm được cho là có liên quan đến việc bệnh nhân cảm nhận thấy vị kim loại hay vị thuốc trong thức ăn. Nhưng bạn hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào, đặc biệt khi đang trong quá trình điều trị hoặc khi dùng thuốc bổ sung kéo dài (hơn một tháng).
- Tránh sử dụng muỗng nĩa, ly cốc hoặc dụng cụ nấu ăn bằng kim loại. Thay vào đó, hãy sử dụng muỗng nĩa bằng nhựa, sành sứ, gỗ và dụng cụ nấu bằng sành hoặc thủy tinh để giảm bớt mùi vị kim loại
- Hãy thử kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng với các hương vị như bạc hà, chanh hoặc cam (tốt nhất là loại kẹo không đường) trước khi ăn. Những hương vị này có thể giúp che bớt vị đắng hoặc kim loại trong miệng: Bạn nên tránh ăn các loại kẹo mềm có đường vì kẹo dễ dính vào răng gây nên các bệnh về răng, khiến ăn uống khó khăn hơn.
- Chọn thực phẩm có mùi và hương vị tốt, ngay cả khi nó không quen thuộc: Thử mở rộng khẩu vị đến ẩm thực của các nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ý, Mexico, v.v... hoặc đơn giản là thử những thực phẩm mới lạ.
- Khi thức ăn của bạn có vẻ vô vị: Sử dụng nhiều gia vị và hương liệu. Thêm các loại thảo mộc, chẳng hạn như hương thảo, húng quế, oregano và bạc hà vào thức ăn của bạn.
- Khi thức ăn của bạn có vị quá ngọt: Hãy thử thêm một chút muối vào thức ăn hoặc pha loãng với nước. Nếu mọi thứ đều có vị ngọt, hãy thử nhiều thực phẩm có tính axit.
- Kiểm tra với bác sĩ hoặc nha sĩ để tìm ra nguyên nhân thay đổi khẩu vị của bạn. Bạn nên làm điều này trước khi bạn thực hiện bất kỳ thay đổi dài hạn nào đối với chế độ ăn uống của bạn.
- Ăn thực phẩm lạnh hoặc đông lạnh, có thể bạn sẽ cảm thấy ngon hơn ăn nóng. Nhưng tránh thực phẩm lạnh nếu bạn đang dùng hóa trị liệu với oxaliplatin (Eloxatin). Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, các thực phẩm nguội hoặc lạnh thường có ít mùi vị hơn so với các thực phẩm nóng.
Tìm hiểu thêm về các sản phẩm giúp khắc phục tình trạng mất hoặc thay đổi vị giác TẠI ĐÂY.
Biện pháp khắc phục tình trạng tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là một trong các tác dụng phụ của điều trị ung thư biểu hiện bằng số lần đại tiện nhiều hơn so với bình thường, không kiểm soát dẫn đến đi ngoài nhiều nước, phân nát. Tiêu chảy nặng, kéo dài sau hóa/xạ trị có thể gây mất nước, rối loạn điện giải.
Tiêu chảy chiếm 80% tác dụng phụ khi xạ trị vùng chậu, tiêu chảy do xạ trị cũng khá phổ biến ở người bệnh xạ trị ung thư vùng bụng.
Bên cạnh bổ sung nước điện giải, bổ sung men vi sinh như một biện pháp phòng ngừa tiêu chảy, giúp giảm nhu động của đại tràng, giảm tỉ lệ mắc tiêu chảy do điều trị và giảm tỉ lệ sử dụng thuốc cầm đi ngoài trên những người bệnh ung thư vùng chậu.
Nên cho người bệnh sử dụng men vi sinh từ khi bắt đầu xạ trị kéo dài đến khi kết thúc điều trị.
Kiểm tra với bác sĩ trước khi bạn sử dụng các gợi ý dưới đây để khắc phục tình trạng tiêu chảy của bạn.
Khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị tiêu chảy
NÊN:
- Uống 8-12 cốc dịch/ngày (dịch: nước, trà pha loãng hoặc nước hoa quả, nước dùng trong, Pedialyte không có hương vị). Điều này sẽ giúp thay thế nước và chất dinh dưỡng đã mất khi bị tiêu chảy.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: 5-6 bữa/ ngày.
- Ăn thực phẩm giàu muối như natri và kali: Cơ thể có thể bị mất một số loại muối này khi bị tiêu chảy, do đó cần phải bổ sung kịp thời. Các thực phẩm giàu natri và kali như: chuối, cam, đào, nước ép mơ, khoai tây luộc, nghiền.
- Ăn thực phẩm ít chất xơ không hòa tan: Thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Các thực phẩm nên dùng: chuối, gạo trắng, bánh mì trắng, sữa chua vị vani hoặc sữa chua trắng.
- Chăm sóc vùng trực tràng: Thay vì dùng giấy vệ sinh, người bệnh nên sử dụng giấy dành cho trẻ em hoặc tia nước để vệ sinh sau khi đi ngoài.
CẦN TRÁNH:
- Bia, rượu vang, các đồ uống có cồn
- Sữa và các sản phẩm của sữa như kem, sữa chua, pho mai.
- Thực phẩm cay: như sốt cay, món có ớt, cà ri.
- Đồ uống hoặc thực phẩm chưa cafein như cà phê, trà đen, soda, sô cô la.
- Thực phẩm hoặc đồ uống sinh khí gas như cải bắp, súp lơ xanh, sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành.
- Thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau sống, bánh mì và ngũ cốc toàn phần.
- Đồ chiên rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ.Đồ ăn nhanh.
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp được bệnh nhân và người thân vượt qua được các tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư.
Tham khảo:
https://www.cancer.gov/publications/patient-education/eating-hints