Phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo
12:55 - 20/04/2020
Tìm hiểu về phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo: điều kiện, chuẩn bị và hồi phục sau phẫu thuật. Đồng thời, tìm hiểu về cách chăm sóc sau phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo đúng cách.
Phân loại hậu môn nhân tạo
Hậu môn nhân tạo là chỗ mở của một đoạn ruột ra thành bụng bằng phẫu thuật nhằm dẫn chất trong lòng ruột (dịch tiêu hoá hay phân) ra ngoài.
Một hậu môn nhân tạo tạm thời có thể được sử dụng khi một phần của đại tràng cần thời gian để nghỉ ngơi và chữa lành khỏi một vấn đề hoặc bệnh. Nhưng đôi khi một căn bệnh, chẳng hạn như ung thư, nghiêm trọng hơn và có thể cần thiết phải làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
Hậu môn nhân tạo vĩnh viễn
Là trường hợp đưa đại tràng ra da và người bệnh đại tiện qua hậu môn nhân tạo suốt đời. Thường gặp ở bệnh lý ung thư trực tràng đoạn thấp phải làm phẫu thuật Miles, phẫu thuật Hartmann, ung thư đại trực tràng.
Hậu môn nhân tạo tạm thời
Chỉ sử dụng trong thời gian nhất định giúp thoát phân ra ngoài trong thời gian tạm thời do bệnh hay do chấn thương để đoạn ruột phía dưới được nghỉ ngơi, lành chỗ khâu nối ruột. Sau đó hậu môn nhân tạo sẽ được đóng và tái lập lại lưu thông phân bình thường qua hậu môn thật.
Ai được chỉ định đóng hậu môn nhân tạo?
Bệnh nhân được chỉ định đóng hậu môn nhân tạo tạm thời khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Thường sau 2 – 3 tháng (hay sớm hơn tuỳ vào tình trạng bệnh).
- Đoạn dưới phải thông.
- Chung quanh miệng hậu môn nhân tạo không nhiễm trùng.
Việc phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo có thể cần phải trì hoãn lâu hơn nếu bạn cần điều trị thêm, chẳng hạn như hóa trị, hoặc bạn chưa hồi phục sau ca phẫu thuật ban đầu.
Không có giới hạn nào về thời gian để thực hiện phẫu thuật này, và một số người sống với HMNT tạm thời của họ trong vài năm trước tiến hành đóng.
Chuẩn bị đóng hậu môn nhân tạo như thế nào?
Nội soi hay chụp X-quang đoạn đại tràng bên dưới hậu môn nhân tạo để chắc chắn rằng không có tổn thương nào ở hai đoạn đại tràng này trước khi đóng hậu môn nhân tạo.
Chuẩn bị trước 3 ngày, phải đảm bảo đại tràng sạch và không nhiễm trùng.
Chế độ ăn, chuyển dần từ chế độ ăn đặc sang lỏng. Ngày đầu ăn cơm, ngày thứ hai ăn cháo, ngày thứ ba uống sữa hoặc trà đường. Chiều tối hôm trước mổ nhịn ăn uống hoàn toàn để sáng hôm sau mổ.
Thụt tháo ở hậu môn nhân tạo xuống hậu môn thật ngày một lần (2 ngày trước mổ); ngày 2 lần (ngay trước ngày mổ). Thụt tháo với nước muối sinh lý là tốt nhất.
Rửa sạch đại tràng: uống dung dịch Fortrans (polyethylene glycol) một ngày trước với 3 gói, mỗi gói pha một lít nước, điều dưỡng cần bảo đảm sạch phân trong lòng ruột.
Thực hiện kháng sinh đường ruột, kháng sinh dự phòng trước mổ.
Phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo có nguy hiểm không?
Cũng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Một số biến chứng ngoại khoa của phẫu thuật loại này bao gồm:
#1 Bục xì miệng nối hậu môn nhân tạo
Gây viêm phúc mạc hay rò tiêu hoá khu trú. Điều dưỡng theo dõi dấu hiệu xì rò phân qua vết mổ hay lỗ đóng hậu môn nhân tạo, nhiệt độ, đau bụng, tình trạng mất nước. Nếu rò ít thường điều trị bằng cách chăm sóc da tránh nhiễm trùng, viêm lở, nâng cao dinh dưỡng tốt giúp lành nơi rò.
#2 Chảy máu miệng nối hay ở thành bụng: báo bác sĩ để khâu cầm máu
#3 Hẹp miệng nối hậu môn nhân tạo
Thường xảy ra do phẫu thuật, khuyên người bệnh tránh tăng cân trong thời gian có hậu môn nhân tạo vì nếp da cũng làm cho miệng hậu môn nhân tạo hẹp lại và cũng do sẹo co rút.
#4 Tắc ruột
Đây là biến chứng thường xảy ra cho người bệnh. Điều dưỡng cần giúp người bệnh phòng ngừa bằng cách cho người bệnh đi bộ, tập luyện...
#5 Nhiễm trùng vết mổ
Thành bụng, chỗ đóng hậu môn nhân tạo nên thay băng khi thấm dịch.
Phục hồi sau phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo
Hầu hết mọi người đều đủ khỏe để ra viện từ 3 đến 10 ngày sau khi phẫu thuật.
Có thể mất một thời gian trước khi nhu động ruột của bạn trở lại bình thường. Một số người có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, nhưng những triệu chứng này thường trở nên tốt hơn theo thời gian.
Bạn có thể bị đau hậu môn sau phẫu thuật, nhưng điều này sẽ cải thiện khi bạn quen với việc đi đại tiện qua hậu môn một lần nữa.
Các vấn đề khác có thể xảy ra bao gồm cần phải đi vệ sinh thường xuyên hơn hoặc khẩn cấp hơn bình thường, đầy hơi và một số trường hợp không tự chủ hoặc rò rỉ ruột.
Mặc dù phẫu thuật này thường là một thủ tục nhỏ hơn so với phẫu thuật mở HMNT ban đầu, vẫn phải mất vài tuần để bệnh nhân phục hồi và trở lại hoạt động bình thường.
Chăm sóc sau phẫu thuật đóng Hậu môn nhân tạo như thế nào?
Bệnh nhân cần lưu ý sau mỗi lần đi vệ sinh
- Rửa da quanh hậu môn bằng nước ấm
- Lau khô bằng vải mềm
- Bôi kem dưỡng
- Tránh sử dụng khăn lau trẻ em, hoặc khăn giấy có mùi thơm vì chúng có thể gây kích ứng thêm.
Một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng
Hệ thống tiêu hóa của bạn có thể nhạy cảm sau khi đóng HMNT. Do đó, bệnh nhân nên:
- Ăn đồ ăn lành mạnh và cân bằng
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Uống nhiều nước, nước trái cây hoặc các loại đồ uống không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn mỗi ngày
- Bổ sung thêm Vitamin
- Tăng dần lượng thức ăn cũng như đa dạng đồ ăn dần dần tùy theo sự thích nghi của cơ thể.
- Thử các loại thực phẩm mới cùng một lúc với số lượng nhỏ
Bệnh nhân cần tránh một số loại thực phẩm có nhiều khả năng gây kích ứng ruột :
- Trái cây có múi - như bưởi và cam,
- Thức ăn cay - chẳng hạn như cà ri
- Bữa ăn nhiều chất béo
- Các loại rau làm tăng đầy hơi - chẳng hạn như bắp cải và hành tây
- Một lượng lớn rượu hoặc đồ uống có ga
Tài liệu tham khảo