Phẫu thuật và chăm sóc hậu môn nhân tạo: Những điều cần biết
11:27 - 20/04/2020
Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng ở các giai đoạn tiến triển và/hoặc có biến chứng cần phải mở hậu môn nhân tạo. Họ có rất nhiều băn khoăn về phẫu thuật mở và cách chăm sóc hậu môn nhân tạo.
Hậu môn nhân tạo là gì?
Hậu môn nhân tạo là chỗ mở của một đoạn ruột ra thành bụng bằng phẫu thuật nhằm dẫn chất trong lòng ruột (dịch tiêu hoá hay phân) ra ngoài. Sau khi thực hiện phẫu thuật, chất tiêu hoá sẽ đi trực tiếp qua lỗ mở thông này ra ngoài và đổ vào một túi chứa gắn bên ngoài sát với thành bụng gọi là túi HMNT.
Một hậu môn nhân tạo tạm thời có thể được sử dụng khi một phần của đại tràng cần thời gian để nghỉ ngơi và chữa lành khỏi một vấn đề hoặc bệnh, sau đó thì sẽ phẫu thuật lại để đóng hậu môn tạm. Nhưng đôi khi một căn bệnh, chẳng hạn như ung thư, nghiêm trọng hơn và có thể cần thiết phải làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
Khi nào cần phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phải làm hậu môn nhân tạo nhằm đưa chất thải thoát ra khỏi cơ thể.
Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng ở các giai đoạn tiến triển và/hoặc có biến chứng cần phải mở hậu môn nhân tạo. Nếu bệnh nhân có tình trạng tiền ung thư, thì phẫu thuật này giúp ngăn sự tiến triển thành ung thư. Nếu bệnh nhân mổ vì những bệnh lý khác thì cuộc phẫu thuật thành công sẽ làm giảm bệnh, cải thiện triệu chứng.
Một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo nếu:
- Tắc ruột, hoại tử ruột do các nguyên nhân
- Khối u phần thấp của trực tràng
- Vỡ đại tràng gây nhiễm trùng ổ bụng nặng
Hậu môn nhân tạo nằm ở đâu?
Vị trí làm hậu môn nhân tạo phải đạt được các yêu cầu sau:
- Ở phần thành bụng phẳng (để dễ gắn túi chứa phân)
- Nằm trên vị trí thắt lưng
- Người bệnh dễ quan sát và tự chăm sóc
Vị trí hậu môn nhân tạo được theo vị trí giải phẫu, gồm 3 loại chính: HMNT đại tràng, HMNT hồi tràng và HMNT niệu quản.
#1 Hậu môn nhân tạo đại tràng (colostomy)
Được mở ra từ một đoạn đại tràng (ruột già). Phân dẫn lưu ra có thể lỏng hoặc sệt tùy thuộc vào trị trí đường ruột được chọn để tạo lỗ mở.
Hậu môn nhân tạo đại tràng sigma
Đây là loại phổ biến nhất. Nằm gần cuối của đại tràng, ngay trước trực tràng. Khi làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma sẽ cho phân cứng hơn và phù hợp sinh lý tương tự như phân bình thường.
Hậu môn nhân tạo đại tràng xuống
Được mở ở phần bên trái của ổ bụng. Phân từ kiểu hậu môn này thường rắn do đã đi qua gần hết toàn bộ khung đại tràng. Thường thực hiện cho các ung thư trực tràng.
Hậu môn nhân tạo đại tràng lên
Cách làm hậu môn nhân tạo từ vị trí đại tràng lên này thì chỉ có một phần của đại tràng thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thu dẫn đến chất thải vẫn còn tỉ lệ nước cao, phân tiết ra ngoài thường lỏng, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Mở kiểu hậu môn nhân tạo từ đại tràng lên rất ít được thực hiện, thay vào đó kiểu mở hồi tràng ra ngoài thành bụng sẽ được làm nhiều hơn, thích hợp hơn, kèm theo có một túi nhỏ đựng chất thải bài tiết ra ngoài.
Hậu môn nhân tạo đại tràng ngang
Đại tràng ngang nằm ngang phía trên vùng thượng vị. Do phần đại tràng này hấp thu nước ít hơn đoạn thấp của đại tràng nên phân ở đại tràng ngang thường mềm hơn. Có 3 kiểu mở hậu môn nhân tạo thường gặp ở đại tràng ngang. Vị trí làm hậu môn nhân tạo phải đạt được các yêu cầu nhất định
- Hậu môn nhân tạo kiểu quai:Hậu môn nhân tạo kiểu quai được thực hiện nhanh hơn kiểu đầu tận và thường có tính chất tạm thời, kiểu hậu môn nhân tạo này sẽ tạo đường hầm thành bụng lớn hơn nên sẽ có nguy cơ thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo. Vị trí để làm hậu môn nhân tạo kiểu này là khoảng 1⁄4 trên vùng bụng phải (tương đương đại tràng ngang) hoặc hố chậu trái (tương đương đại tràng xích-ma). Thi thoảng vẫn sẽ có phân hoặc khí đi qua trực tràng do đại tràng vẫn còn liên tục với trực tràng.
- Hậu môn nhân tạo kiểu đầu tận: Đây thường là kiểu hậu môn nhân tạo có tính chất vĩnh viễn, được làm sau phẫu thuật cắt đại tràng bao gồm cả trực tràng và phần đại tràng dưới vị trí mở hậu môn nhân. Phần đưa ra làm hậu môn nhân tạo là đoạn cuối hồi tràng, sát van hồi manh tràng, nhằm đảm bảo đủ chiều dài của tiểu tràng, bảo tồn tối đa chức năng tiêu hóa, hấp thu của tiểu tràng cũng như “để dành” chỗ cho việc tạo túi chứa sau này.
- Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng: Được làm nhanh hơn kiểu đầu tận và thường mang tính chất tạm thời. Đầu gần được đưa ra ngoài thành bụng là một hậu môn tạm thời để đưa chất thải ra ngoài. Đầu xa cũng được đưa ra ngoài thành bụng, có một ít chất nhầy chảy ra. Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súngsẽ được thực hiện đóng lại ở thì sau.
#2 Hậu môn nhân tạo hồi tràng (ruột non) (Ileostomy)
Là một lỗ mở được tạo ra bằng cách đưa một đoạn hồi tràng ra ngoài thành bụng. Dịch tiêu hóa từ HMNT hồi tràng thoát ra ngoài gần như liên tục, đặc biệt nhiều sau khi ăn. Chất tiêu hóa thường có dạng dịch lỏng, thường không mùi, dễ gây kích ứng da vì có tính ăn da cao.
#3 Hậu môn nhân tạo niệu quản (Urostomy)
Được mở ở thành bụng để dẫn lưu nước tiểu từ thận qua niệu quản đến lỗ mở ở thành bụng và ra ngoài túi chứa. Một số trường hợp có thể là dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang của bệnh nhân.
Đây là một thủ tục phẫu thuật cần thiết khi bàng quang bị bệnh. Có bốn lý do chính để thực hiện phẫu thuật này là ung thư bàng quang, dị tật bẩm sinh, rối loạn chức năng thần kinh hoặc viêm bàng quang mãn tính.
Hình dạng của hậu môn nhân tạo như thế nào?
Hậu môn nhân tạo thường có màu hồng hoặc đỏ. Thường ẩm ướt và mềm.
Có thễ dễ dàng chảy máu chút ít khi bị va chạm nhẹ, nhưng rất dễ cầm máu
Không có cảm giác hoặc thấy đau khi chạm vào
Phần da xung quanh HMNT không nên để bị đỏ, rạn nứt hoặc sưng tấy.
Hình dạng của hậu môn nhân tạo phụ thuộc vào loại hình phẫu thuật mở thông HMNT và sự khác biệt của từng cơ thể. Nó có thể trông khá lớn lúc đầu, nhưng sẽ co lại đến kích thước cuối cùng khoảng 6 đến 8 tuần sau khi phẫu thuật.
Hình dạng HMNT sẽ tròn hoặc hình bầu dục. Một số HMNT có thể nhô ra một chút, trong khi một số khác nằm phẳng trên da, hoặc lõm vào bên trong.
Không giống như hậu môn, HMNT không có van hoặc cơ thắt. Điều này có nghĩa là đôi khi việc đi tiêu khó có thể được kiểm soát theo những cách thông thường.
Phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo có nguy hiểm không?
Cũng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Những biến chứng này bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhồi máu cơ tim…
Một số biến chứng ngoại khoa của phẫu thuật loại này bao gồm:
- Tổn thương các cấu trúc, cơ quan lân cận
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Xì miệng nối
- Áp xe (ổ tụ mủ) trong ổ bụng
- Thoát vị tại vết mổ cũ
- Tắc ruột do tạo mô sẹo
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có biểu hiện bất thường. Một số biến chứng cần can thiệp phẫu thuật lại.
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo?
Bệnh nhân cần khám tiền mê vài ngày trước mổ. Trong lần khám này, bệnh nhân được làm một số xét nghiệm máu và khám sức khỏe tổng quát tùy theo tuổi và tình trạng bệnh kèm theo để đảm bảo bệnh nhân đủ sức khỏe để chịu đựng cuộc mổ.
Bạn cần phải tắm vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ bằng dung dịch sát trùng Betadine.
Đại tràng chứa vi trùng và các chất thải có thể gây nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào ổ bụng trong quá trình phẫu thuật. Do đó cần có một số phương pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ.
Đầu tiên là có thể sử dụng kháng sinh đường uống một vài ngày trước mổ. Thứ hai là làm sạch đại tràng tối đa để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
2 hoặc 3 ngày trước mổ, bệnh nhân cần ăn thức ăn mềm, gần như thức ăn lỏng có thể tiêu hóa nhanh và dễ dàng. Đôi khi bệnh nhân chỉ được uống nước (như nước trái cây, nước luộc thịt). Tất cả bệnh nhân đều chỉ được uống nước trong 24 giờ trước mổ và nhịn ăn hoàn toàn từ nửa đêm trước ngày mổ. Trước ngày mổ bệnh nhân cần uống thuốc sổ, được nhập khoa và truyền dịch để tránh mất nước khi tiêu chảy do uống thuốc này.
Nếu bệnh nhân không thể tuân theo chế độ này thì cần phải báo ngay cho phẫu thuật viên. Vì nếu phẫu thuật có thể không an toàn và phải hoãn cuộc mổ.
Phục hồi sau phẫu thuật mở Hậu môn nhân tạo
Một ngày sau mổ thì đa số bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại. Một điều quan trọng là bệnh nhân cần đứng dậy và vận động càng sớm càng tốt để kích thích nhu động ruột và làm máu lưu thông dễ dàng.
Bệnh nhân cần được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch cho đến khi ăn uống được bình thường. Hầu hết bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau 4-5 ngày hậu phẫu.
Bạn cần dùng thuốc giảm đau vài ngày. Bạn nên thông báo cho đội ngũ điều trị nếu loại thuốc giảm đau đang dùng không đủ hiệu quả để được kê loại thuốc khác. Kháng sinh cũng có thể được dùng sau mổ tùy thuộc nhiều yếu tố bao gồm chẩn đoán ban đầu.
Sau khi phẫu thuật 1-2 tuần bệnh nhân có thể xuất viện.
Thường thì bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 1-3 tuần sau mổ, nhưng để phục hồi hoàn toàn có thể mất tới 2 tháng. Do đó, bệnh nhân cần tránh gắng sức, nâng vật nặng trong 4-6 tuần. Khi đang trong thời gian hồi phục, bệnh nhân cần kiêng một số loại thức ăn nhất định.
Nếu mở hậu môn nhân tạo tạm thời, bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo sau khi đại tràng đã hồi phục. Phẫu thuật này thường diễn ra khoảng 12 tuần sau đó tùy thuộc vào mục đích mở hậu môn nhân tạo. Việc đóng hậu môn nhân tạo cần được sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ, phẫu thuật viên thực hiện chính cho bệnh nhân.
Chăm sóc hậu môn nhân tạo như thế nào?
Một số lưu ý sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật HMNT sẽ hơi sưng nhưng sau đó sẽ giảm và thu nhỏ dần lại. Sau 6-8 tuần, HMNT sẽ đạt đến kích thước và hình dạng ổn định.
Ngay sau khi phẫu thuật, cần dán túi HMNT ngay để tránh dịch tiêu hóa hoặc phân gây kích ứng da xung quanh hoặc làm nhiễm khuẩn vết mổ.
HMNT sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng vài ngày sau phẫu thuật, khi bạn có nhu động ruột trở lại. Bạn sẽ quan sát thấy có hơi đi ra từ HMNT và túi thải bắt đầu phồng lên.
Đầu tiên bạn sẽ thấy mất kiểm soát khi HMNT bắt đầu hoạt động. Hãy kiên nhẫn. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ dần cảm nhận được mọi thứ diễn ra theo một nguyên tắc có thể đoán trước được.
Làm thế nào để tôi học cách chăm sóc hậu môn nhân tạo?
Sau khi phẫu thuật và phục hồi theo quy định, đã đến lúc trở lại cuộc sống bình thường. Điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc HMNT, và hướng dẫn cách sử dụng và thay túi HMNT tại bệnh viện. Bạn hãy lưu ý ghi nhớ các bước thực hiện để có thể tự chăm sóc khi ra viện.
Chăm sóc cho hậu môn nhân tạo bao gồm:
- Chăm sóc HMNT và vùng da xung quanh: Vệ sinh sạch sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và đảm bảo rằng HMNT của bạn hoạt động tốt. Bệnh nhân cũng cần thường xuyên kiểm tra để có thể phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường như rò rỉ, kích ứng da, dị ứng.
- Cách lắp và thay thế bộ túi HMNT khi cần thiết
- Cách xả túi thải khi cần thiết
- Tháo thụt đại tràng (irrigation): thủ thuật đưa nước qua hậu môn vào đại tràng để làm mềm, lỏng phân, đồng thời làm thành ruột nở rộng. Thành ruột được kích thích sẽ co lại, đẩy phân ra ngoài. Tháo thụt được thực hiện để tránh việc cần phải đeo túi HMNT thường xuyên. Tuy nhiên, thủ thuật này đòi hỏi phải được bác sĩ chấp thuận và cung cấp hướng dẫn cần thiết.
Tôi sẽ cần gì để chăm sóc Hậu môn nhân tạo?
Vì không có cơ quanh HMNT, bạn không thể kiểm soát chất thải hoặc khí thải. Bạn sẽ cần sử dụng túi thải y tế, với đế bảo vệ da để đựng chất thải.
Sự cần thiết phải giữ tất cả mọi thứ sạch sẽ và tránh rò rỉ, nhiễm trùng đòi hỏi sử dụng nhiều loại vật tư y tế khác nhau như bột hút ẩm chống loét, keo làm đầy để bảo vệ vùng da xung quanh HMNT, đai đeo HMNT, băng và các vật tư y tế khác.
Sản phẩm dược sỹ gợi ý
#1 Bộ túi Hậu môn nhân tạo
Bộ túi HMNT có một túi thải y tế để đựng chất thải thoát ra từ HMNT và một đế HMNT để bảo vệ vùng da xung quanh. Túi hậu môn nhân tạo có nhiều kiểu dáng và kích cỡ, bạn có thể tùy ý lựa chọn loại tốt nhất cho tình trạng và lối sống của bạn.
Hiện này có 2 loại bộ túi HMNT chính:
- Hệ thống túi một mảnh có cả túi và đế gắn liền với nhau trong cùng một đơn vị. Khi túi được gỡ bỏ, thì cũng phải gỡ cả đế.
- Hệ thống hai mảnh gồm có hai phần tách biệt là túi thải và đế. Khi túi được tháo ra, đế vẫn có thể giữ lại.
#2 Bột hút ẩm chống loét
Bột này được sử dụng khi da bị kích thích do chất liệu, thời gian sử dụng hoặc chất thải tiếp xúc với da. Nó cũng được sử dụng để loại bỏ độ ẩm dư thừa từ da có thể gây ra sự lỏng lẻo hoặc rò rỉ.
#3 Kem chống xì, Vòng chống loét
Chúng được sử dụng để lấp đầy các khoảng trống giữa đế HMNT và da để giúp bộ túi dính chắc hơn và cũng để ngăn chặn bất kỳ loại rò rỉ chất thải nào. Do đó, sẽ giúp giảm nguy cơ da bị kích ứng hoặc bị loét.
#4 Đai đeo Hậu môn nhân tạo
Đai đeo được sử dụng để cố định túi thải. Một số đai có móc và vòng để giữ túi ở đúng vị trí nhằm giảm nguy cơ rò rỉ hoặc rơi xuống. Nó có thể được sử dụng song song với hàng rào bảo vệ da lồi.
Mua bộ chăm sóc hậu môn nhân tạo trực tuyến ở đâu?
Tại ChinhAn.Net, chúng tôi cung cấp một loạt các sản phẩm và phụ kiện HMNT như các loại bộ túi MNT một mảnh và hai mảnh, đai đeo HMNT, bột làm đầy, bột hút ẩm-chống loét, dung dịch bôi trơn khử mùi, kẹp túi, vv từ nhà sản xuất hàng đầu như Coloplast, Convatec, Hollister, v.v.
Hãy xem và chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.fvhospital.com/ban-can-biet/phau-thuat-cat-dai-truc-trang/