Cẩm nang phòng, chống dịch COVID-19 dành cho bệnh nhân ung thư
15:09 - 01/04/2020
Bệnh COVID-19 là một bệnh về đường hô hấp do một loại virus corona mới, lần đầu tiên được xác định trong một ổ dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2019. Những người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể có nguy cơ lây nhiễm và gặp biến chứng lâm sàng cao hơn người không bị bệnh. Bệnh nhân cần trang bị các kiến thức đầy đủ về phòng, chống dịch COVID-19 và nên trao đổi với bác sĩ điều trị.&
Nội dung bài viết
Bệnh COVID-19 là gì?
Bệnh COVID-19 là một bệnh về đường hô hấp do một loại virus corona mới, lần đầu tiên được xác định trong một ổ dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2019.
Virus corona là một họ virus lớn có thể gây ra các bệnh nhẹ như cảm lạnh thông thường, đến các bệnh nghiêm trọng hơn, như Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Vì coronavirus mới có liên quan đến coronavirus gây ra bệnh SARS (SARS-CoV), nên nó còn được đặt tên là SARS-CoV-2.
Bệnh có thể lây từ người sang người, qua những giọt nhỏ từ mũi hoặc miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Một người khác có thể lây nhiễm COVID-19 bằng cách hít vào những giọt này hoặc bằng cách chạm vào một bề mặt mà các giọt nước đã rơi xuống và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ. Các triệu chứng từ COVID-19 có thể từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau nhức, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng hoặc tiêu chảy. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, một số người bị nhiễm bệnh có thể không phát triển các triệu chứng.
Nguy cơ mắc bệnh COVID-19 của bệnh nhân ung thư có cao hơn không?
Theo nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư.
Bệnh nhân ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm COVID-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không bị ung thư. Không riêng gì bệnh ung thư, bệnh nhân có các bệnh lý nền mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận ... có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn và nếu mắc bệnh thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người không mắc các bệnh kèm theo này.
Dù nguyên tắc và các phương pháp phòng, chống COVID-19 không có gì khác biệt so với người không bị bệnh, bệnh nhân ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện chúng một cách triệt để và nghiêm ngặt hơn.
Tôi có thể làm gì để tránh mắc bệnh COVID-19?
Hiện tại chưa có vắc-xin để ngăn ngừa COVID-19. Cách quan trọng nhất để bảo vệ chính bạn là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh COVID-19, bất cứ khi nào có thể. Thực hiện theo hướng dẫn về hạn chế đi lại và chăm sóc sức khỏe do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bệnh nhân ung thư cần thực hiện 7 biện pháp phòng ngừa bệnh COVID-19 tương tự như những người không bị bệnh như sau:
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây. Tránh đến nơi đông người
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng
- Nếu phải ho hoặc hắt hơi, hãy sử dụng khăn giấy. Sau đó vứt khăn giấy đi. Hoặc, ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh
- Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng nước xịt hoặc khăn lau. Những bề mặt và đồ vật này bao gồm tay nắm cửa, quầy, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại, v.v.
- Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị... để ngăn ngừa bệnh lây sang những người xung quanh.
Có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào mà những người mắc bệnh ung thư nên thực hiện?
Những người mắc bệnh ung thư, những người đang điều trị ung thư tích cực, bệnh nhân lớn tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng khác, như bệnh phổi, tiểu đường hoặc bệnh tim, có thể có nguy cơ cao hơn đối với bệnh COVID-19.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh COVID-19 nêu trên một cách triệt để và nghiêm ngặt; bệnh nhân ung thư cần lưu ý:
- Hãy chắc chắn có đủ các loại thuốc thiết yếu, cả thuốc kê đơn và không kê đơn để dùng trong một thời gian nhất định. Nếu bạn cần dùng thuốc thường xuyên, bạn có thể đặt đơn thuốc lặp lại qua điện thoại hoặc trực tuyến qua các trang web của nhà thuốc như Chinhan.net, nhà thuốc sẽ giao thuốc tận nhà cho bạn.
- Với những bệnh nhân đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.
- Tránh đến những nơi đông người. Ở nhà càng nhiều càng tốt để giảm tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, cần duy trì kết nối với gia đình và bạn bè thông qua trò chuyện qua video hoặc gọi điện thoại.
- Chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.
Sản phẩm dược sỹ gợi ý
Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ mình có thể bị nhiễm COVID-19?
- Trước hết, tự cách ly tại nhà nếu có nghi ngờ hoặc bắt đầu có dấu hiệu bị sốt và có các triệu chứng khác của bệnh hô hấp, chẳng hạn như ho và khó thở, là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19.
- Đồng thời, liên hệ với bác sĩ hoặc cơ quan y tế và cho họ biết bạn nghĩ rằng bạn có những triệu chứng liên quan đến COVID-19 để được hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt nếu bạn đang ở trong một trong hai trường hợp sau đây: (1) bạn có tiếp xúc gần với một người xác định là dương tính với COVID-19; (2) bạn đang sống hoặc gần đây đã đi du lịch đến một khu vực là ổ dịch.
- Với những bệnh nhân đang điều trị ung thư ức chế hệ thống miễn dịch, bị sốt và có các triệu chứng hô hấp, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị. Hãy tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về việc khi nào cần đến bệnh viện và khi nào thì an toàn hơn khi ở nhà. Thực tế cho thấy, các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc sử dụng trong hóa trị, có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch. Vì thế, người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng nếu không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần người nghi mắc COVID-19 thì không có gì đáng lo ngại.
Tôi có thể cập nhật thông tin mới nhất về COVID-19 ở đâu?
Luôn cập nhật những thông tin mới nhất về dịch COVID-19 từ các nguồn thông tin uy tín như:
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế - Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y tế https://ncov.moh.gov.vn/
- Trang web của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương
- Sử dụng ứng dụng COVID-19 do Bộ Y tế phát triển nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh do virus Corona (COVID-19) gây ra. Ứng dụng di động COVID-19 được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19. Đây là kênh thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cách phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19, giúp người dùng có thể dễ dàng truy cập và tiếp cận các thông tin về phòng chống dịch bệnh một cách dễ hiểu, đầy đủ nhất. Người dân có thể tải ứng dụng app COVID-19 tại:
- Điện thoại hệ điều hành iOS tải app COVID-19 trên App Store;
- Điện thoại hệ điều hành Android tải COVID-19 trên CH Play;
- Hoặc vào địa chỉ https://ehealth.gov.vn để tải app tại mục https://ehealth.gov.vn/?action=ADV&thongbaoId=28.
Tham khảo:
https://www.cancer.net/blog/2020-03/coronavirus-2019-what-people-with-cancer-need-know
https://www.cancer.gov/contact/emergency-preparedness/coronavirus?cid=eb_govdel