Giảm bạch cầu hạt ở bệnh nhân ung thư
12:26 - 01/04/2020
Giảm bạch cầu hạt xảy ra ở khoảng một nửa số bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất (hóa trị). Nó còn là một tình trạng phổ biến ở bệnh ung thư máu.
Trong chứng giảm bạch cầu hạt, cơ thể người bệnh có mức bạch cầu hạt thấp. Bạch cầu hạt là một loại bạch cầu giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Chúng được tạo ra trong tủy xương – mô xốp thường thấy bên trong các xương lớn.
Bạch cầu hạt chống lại sự nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. Chúng bao gồm các vi khuẩn, vi nấm hoặc nấm men gây hại. Điều này có nghĩa là những người bị giảm bạch cầu hạt dễ bị nhiễm trùng nặng. Những người có lượng bạch cầu hạt rất thấp hoặc bị giảm bạch cầu hạt kéo dài có thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Giảm bạch cầu hạt xảy ra ở khoảng một nửa số bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất (hóa trị). Nó còn là một tình trạng phổ biến ở bệnh ung thư máu.
Dấu hiệu và triệu chứng của giảm bạch cầu hạt
Một số bệnh nhân bị giảm bạch cầu hạt sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tuy vậy, giảm bạch cầu hạt có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh nhân thường tình cờ phát hiện giảm bạch cầu hạt từ xét nghiệm máu hoặc khi có tình trạng nhiễm trùng. Do đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch kiểm tra xét nghiệm máu thường xuyên. Những xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán giảm bạch cầu hạt và những tác dụng phụ khác liên quan tới tế bào máu do hóa trị.
Đối với bệnh nhân giảm bạch cầu hạt, một nhiễm trùng nhẹ cũng có thể trở nên trầm trọng. Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm:
- Sốt, có nhiệt độ từ 38 độ C trở lên (37.5 độ nếu đo ở nách);
- Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi;
- Đau họng, loét miệng, hoặc đau răng;
- Đau bụng;
- Đau gần hậu môn;
- Đau hoặc rát khi đi tiểu hoặc đi tiểu nhiều lần;
- Tiêu chảy hoặc loét quanh hậu môn;
- Ho hay khó thở hoặc thở nhanh;
- Đỏ, sưng, hoặc đau, đặc biệt quanh chỗ cắt, vết thương, hoặc nơi đặt ống thông tĩnh mạch;
- Tiết dịch âm đạo bất thường hay ngứa âm đạo.
Nhiễm trùng có thể điều trị được. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, chúng có thể trở nên trầm trọng và đe dọa đến mạng sống. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này cũng như bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng hiện có.
Nguyên nhân gây giảm bạch cầu hạt
Các yếu tố liên quan đến ung thư và điều trị ung thư có thể gây giảm bạch cầu hạt:
- Một số loại thuốc hóa trị liệu;
- Các bệnh ung thư ảnh hưởng trực tiếp đến tủy xương, chẳng hạn như bệnh ung thư máu, u lympho và đa u tủy xương;
- Ung thư đã di căn tủy;
- Xạ trị nhiều vùng trên cơ thể hoặc xương tại khung chậu, chân, ngực, hoặc bụng.
Những bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao bị giảm bạch cầu hạt là
- Những người từ 70 tuổi trở lên;
- Những người có hệ miễn dịch suy giảm từ các nguyên nhân khác, như nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc ghép tạng;
- Một số liệu pháp ung thư cũng có khả năng làm suy giảm bạch cầu hạt cao hơn liệu pháp khác.
Chu kỳ thông thường của giảm bạch cầu hạt liên quan đến hóa trị liệu.
Loại hoặc liều hóa trị sẽ ảnh hưởng thời điểm giảm bạch cầu hạt. Thông thường, bạch cầu hạt bắt đầu giảm khoảng một tuần sau khi bắt đầu hóa trị và giảm đến mức thấp nhất vào khoảng 7 đến 14 ngày sau khi điều trị. Điểm thấp này được gọi là điểm đáy (nadir), thời điểm này bạn nguy cơ bị nhiễm trùng là cao nhất.
Số lượng bạch cầu hạt sau đó bắt đầu tăng trở lại khi tủy xương phục hồi khả năng sản xuất bạch cầu. Tuy nhiên, có thể mất 3 – 4 tuần để đạt đến trị số/mức bạch cầu bình thường. Tại thời điểm đó, cơ thể bạn đã sẵn sàng cho đợt hóa trị tiếp theo. Nếu bạn đã trải qua một vài đợt hóa trị, cơ thể có thể phải mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu tạo ra lượng bạch cầu hạt như bình thường.
Xử trí và điều trị giảm bạch cầu hạt
Điều trị để làm giảm các triệu chứng và các phản ứng phụ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh ung thư. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ. Hãy thảo luận với nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn về bất kỳ triệu chứng nào hoặc những thay đổi trong các triệu chứng mà bạn đang cảm nhận.
Nếu bạn bị giảm bạch cầu hạt, hãy thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhiễm trùng. Ví dụ:
- Tránh đến gần những người bị cảm lạnh, cúm, hoặc các bệnh khác.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Trong thời kỳ giảm bạch cầu hạt kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Ngoài ra, giảm bạch cầu hạt có thể ảnh hưởng đến chu kì tiếp theo của hóa trị liệu. Đặc biệt nếu mức bạch cầu hạt không trở lại bình thường kịp thời, bác sĩ có thể trì hoãn hoặc giảm liều hóa trị.
Đối với trường hợp giảm bạch cầu kèm theo sốt, bác sĩ có thể chỉ định dùng yếu tố kích thích tạo bạch cầu. Những loại thuốc này giúp cơ thể tạo ra nhiều bạch cầu hơn. Bạn có thể đọc thêm hướng dẫn của ASCO về các yếu tố kích thích tạo bạch cầu.
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/neutropenia