Vượt qua lo lắng, căng thẳng trong mùa dịch COVID-19

15:07 - 01/04/2020

Vượt qua lo lắng, căng thẳng trong mùa dịch COVID-19

Bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện từ tháng 12 năm 2019 và cho đến hiện tại vẫn đang diễn biến hết sức căng thẳng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những nguy cơ về sức khỏe thể chất, việc xuất hiện một dịch bệnh mới với những thay đổi, xáo trộn tới cuộc sống hàng ngày cũng tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe tinh thần.

Tính chất nguy hiểm của dịch bệnh dễ dàng khiến cho các cá nhân rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc lo lắng do thiếu cảm giác an toàn.Việc liên tục tiếp xúc với nhiều dòng thông tin xoay quanh căn bệnh COVID-19, trong đó có cả các thông tin tiêu cực về dịch bệnh, những thông tin trái chiều và không rõ ràng trên mạng xã hội cũng dẫn tới những bất an, lo lắng, căng thẳng.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh khiến chính phủ đưa ra những quyết định như hạn chế các hoạt động tập trung đông người, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và không nên tiếp xúc với nhiều người. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt kết nối xã hội, khiến cá nhân có thể rơi vào trạng thái cô đơn, buồn chán.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện tại cũng dễ làm kích hoạt và tăng nặng sự lo âu, căng thẳng ở những bệnh nhân ung thư. Sự căng thẳng quá mức có thể gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Trước những tác động đến từ dịch bệnh COVID19, mỗi người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, không chỉ cần tự trang bị những kiến thức nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất mà còn cần có những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để nâng cao sức khỏe tinh thần

Vậy làm như thế nào để quản lý cảm giác lo âu, căng thẳng?

Dưới đây là những gợi ý nhằm quản lý hiệu quả cảm giác lo âu, căng thẳng trong mùa dịch COVID-19.

1.      Tuân thủ triệt để các hướng dẫn về phòng, chống bệnh COVID-19

Mặc dù không có gì đảm bảo rằng bạn hoặc người thân sẽ không mắc COVID-19, nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm là giảm thiểu rủi ro bằng cách phòng ngừa. Bạn cần tuân thủ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh COVID-19 một cách triệt để và nghiêm ngặt, bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với nguồn lây. Tránh đến nơi đông người       
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn       
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng     
  • Nếu phải ho hoặc hắt hơi, hãy sử dụng khăn giấy. Sau đó vứt khăn giấy đi. Hoặc, ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay         
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh        
  • Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng nước xịt hoặc khăn lau. Những bề mặt và đồ vật này bao gồm tay nắm cửa, quầy, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại, v.v         
  • Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị... để ngăn ngừa bệnh lây sang những người xung quanh.

2.      Cập nhật thông tin về bệnh dịch COVID-19 một cách phù hợp

Một trong những cách dễ nhất để làm giảm căng thẳng và lo lắng là hạn chế tiếp xúc với những nguồn gây ra lo lắng. Trong thời gian dịch bệnh, luôn cập nhật các thông tin về dịch bệnh và hướng dẫn phòng chống dịch từ các nguồn đáng tin cậy và chính xác là rất quan trọng. Do đó, bạn nên chọn cho mình những kênh tin tức chính thống để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Các nguồn đáng tin cậy, bao gồm các cơ quan truyền thông của nhà nước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, với rất nhiều luồng thông tin mới xuất hiện quá nhanh trên các phương tiện truyền thông xã hội, điều quan trọng là bạn cần điều tiết về thời điểm, số lượng tin tức mà bạn đọc về đại dịch. Bạn nên kiểm tra, cập nhật thông tin hai hoặc ba lần một ngày để nhận được đủ thông tin bạn cần biết, và để tránh bị choáng ngợp. Điều này không chỉ giúp bạn có kiến thức và kỹ năng ứng phó phù hợp mà còn làm giảm bớt các cảm nhận tiêu cực như hoang mang, sợ hãi, xuất phát từ các thông tin đồn thổi, sai sự thật.

3.      Nói về nỗi lo lắng của bạn

Chia sẻ nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn với những người thân yêu có thể giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng. Nói về cảm xúc của bạn với người khác cũng có thể giúp bạn ứng phó tốt hơn với những cảm xúc tiêu cực. Mặc dù nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp, bạn vẫn nên duy trì liên lạc với những người thân, bạn bè đặc biệt là những người đem lại nguồn năng lượng tích cực cho bạn. Tiếp tục duy trì trao đổi với bác sĩ điều trị. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia y tế và tâm lý nếu bạn cảm thấy cần được giúp đỡ.

4.      Hãy chăm sóc tốt cơ thể của bạn

Tâm trí và cơ thể của chúng ta liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Vì thế, hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn về mặt thể chất mà còn có thể tăng cường các cảm xúc tích cực.

Tập thể dục

Luyện tập thể chất giúp não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể khỏe mạnh, và cũng đem lại những lợi ích đáng kể trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu cho thấy rèn luyện cơ thể giúp làm giảm lo lắng, buồn chán, và tăng cường khả năng ứng phó với căng thẳng.

Vận động không chỉ có nghĩa là chơi thể thao cùng bạn bè hay đến phòng tập gym. Đi bộ xung quanh nơi ở, làm công việc nhà cũng có thể giúp cơ thể bạn được vận động. Các chuyên gia cho rằng mọi người nên luyện tập thể chất 30 phút một ngày và ít nhất 5 ngày một tuần. Hiện nay trên YouTube có rất nhiều các video hướng dẫn tập thể dục tại nhà mà bạn có thể tham khảo và thực hiện theo.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh không chỉ tốt cho thể chất mà còn tốt cho sức khỏe tinh thần. Ăn ba bữa một ngày và nhiều bữa phụ trong ngày gồm trái cây, các loại hạt,… uống nhiều nước là lý tưởng để duy trì sức khỏe tinh thần. Đặc biệt là tiêu thụ các loại thực phẩm giúp làm dịu căng thẳng như quả bơ, hay sô cô la đen… Hãy cố gắng hạn chế các loại đồ uống nhiều caffeine, nhiều đường và có cồn...

Giấc ngủ chất lượng

Mặc dù việc điều trị bệnh ung thư cùng với sự lo lắng do dịch bệnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bạn hãy cố gắng ngủ sâu và đủ bảy đến tám giờ mỗi đêm để cơ thể bạn có thể được phục hồi. Nếu bạn gặp khó khăn khi ngủ, bạn có thể đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc thử tập chánh niệm để làm dịu suy nghĩ của bạn. Bên cạnh đó, việc đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và thức dậy cùng một lúc vào buổi sáng sẽ tạo ra nhịp điệu bên trong giúp cơ thể bạn dễ dàng điều tiết hơn và giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ.

5.      Thư giãn tinh thần bằng thiền định

Các nghiên cứu cho thấy thực hành thiền định làm giảm căng thẳng và lo lắng, điều chỉnh cảm xúc và thúc đẩy tinh thần tích cực. Thực hành 10 phút thiền mỗi ngày có thể cho bạn khả năng thư giãn tinh thần thông qua chánh niệm và quản lý tốt cảm xúc do căng thẳng mang lại. Bạn có thể thực tập chánh niệm bằng cách ngồi yên lặng và tập trung vào hơi thở và các giác quan của bạn.Trong cuốn sách của mình (A Signature Life), nhà thiết kế thời trang Diane Von Furstenberg viết rằng cô đã sử dụng phương pháp thiền định trong quá trình điều trị bệnh ung thư lưỡi để tự chữa lành những căng thẳng về tinh thần.Hiện nay có nhiều ứng dụng cho điện thoại thông minh cung cấp thiền hướng dẫn để giúp bạn thư giãn khi cần thiết. Ví dụ, ứng dụng thiền Headspace cung cấp các buổi hướng dẫn 10-20 phút hướng đến những cảm xúc cụ thể như lòng tốt, sự kiên nhẫn, trầm cảm và căng thẳng. Nó thậm chí còn có một gói dành riêng cho việc sử dụng thiền để ứng phó với bệnh ung thư.

6.      Hãy thể hiện lòng biết ơn mỗi ngày

Thể hiện lòng biết ơn giải phóng một loạt các cảm xúc độc hại như ghen tị và oán giận. Bằng cách tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn, bạn chủ động chọn cách buông bỏ những yếu tố gây căng thẳng, thậm chí chỉ trong vài phút. Mỗi ngày hãy viết ra năm điều mà bạn biết ơn mỗi sáng và suy ngẫm về chúng trong suốt cả ngày.

Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau xem clip WHO đã làm để cảm ơn những con người đang thầm lặng cống hiến bất kể ngày đêm trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam. https://www.youtube.com/watch?v=8INn5gY6Xi8

Phương pháp nào bạn chọn để để quản lý căng thẳng không quan trọng. Vấn đề quan trọng là bạn không nên để nó chiếm lấy cuộc sống của bạn. Hãy thử những những cách khác nhau để giúp bạn làm giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

XIN CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC BÀI VIẾT NÀY!!!!


Tham khảo:

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/coronavirus/stressed-about-covid19-heres-what-can-help

https://www.mdanderson.org/publications/cancerwise/how-to-cope-with-2019-novel-coronavirus-covid-19-stress-and-anxiety.h00-159380367.html

https://thanhnien.vn/suc-khoe/vuot-qua-su-cang-thang-trong-dich-covid-19-1195059.html

https://nhasilk.com/nang-cao-suc-khoe-tinh-than-mua-dai-dich-covid-19/