Đau đầu ở bệnh nhân ung thư

12:49 - 01/04/2020

Bệnh nhân ung thư thường gặp những cơn đau đầu mạnh. Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ giúp giảm nhẹ các triệu chứng phụ là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

ĐAU ĐẦU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ

Gần như chúng ta ai cũng đã bị đau đầu lúc này hay lúc khác. Có 2 loại đau đầu chính là:

Đau đầu nguyên phát: bao gồm chứng đau nửa đầu, đau đầu cụm và chứng đau căng đầu. Chứng đau căng đầu còn gọi là chứng đau đầu căng cơ.

Đau đầu thứ phát: gây ra bởi các bệnh lý khác hoặc các yếu tố tiềm ẩn, bao gồm khối u ở não, tổn thương vùng đầu, nhiễm trùng, hay do thuốc.

Đau đầu nguyên phát và thứ phát đều là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ giúp giảm nhẹ các triệu chứng phụ và là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

Các triệu chứng đau đầu

Đau đầu có rất nhiều triệu chứng khác nhau, sau đây là một số yếu tố đánh giá:

Thời điểm: là thời gian trong ngày mà bạn bị đau đầu. Đôi khi biết thời điểm đau có thể giúp xác định nguyên nhân, ví dụ cơn đau đầu cuối ngày thường là đau đầu căng cơ.

Tần suất: cơn đau có xảy ra thường xuyên không? Hàng ngày, hàng tuần hay thỉnh thoảng?

Tác nhân: là những yếu tố khởi phát cơn đau đầu. Tác nhân có thể là sự nhiễm lạnh, ánh sáng chập chờn, tiếng ồn lớn hay những loại thực phẩm nhất định.

Độ dài: bạn bị đau như vậy trong bao lâu? Những cơn đau đầu có thể kéo dài chỉ vài phút hay có thể hàng giờ, thậm chí nhiều ngày. Có lúc cơn đau xuất hiện và biến mất rất nhanh. Có những cơn đau đầu sẽ chỉ biến mất sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Điểm đau: là vị trí mà bạn cảm thấy đau, những vị trí phổ biến bao gồm:

  • Phía trên mắt
  • Vùng trước trán hay thái dương
  • Phía sau cổ
  • Một bên nửa đầu

Cường độ: cường độ của cơn đau đầu có thể dao động từ đau nhẹ đến đau dữ dội và đau không thể làm gì được (có nghĩa là gần như không cử động được hay không nói được).

Đôi khi cơn đau chỉ xuất hiện nhẹ nhưng dần trở nên đau nhiều hơn. Đôi khi cơn đau đã rất dữ dội ngay từ đầu.

Tính chất cơn đau: một số từ được dùng để miêu tả tính chất của các cơn đau đầu như:

  • Đau như búa bổ
  • Đau như lưỡi dao đâm xuyên qua
  • Cảm giác bị ép chặt
  • Cơn đau gây mệt mỏi

Ngoài triệu chứng đau đầu, bạn có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm khác như:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Chóng mặt
  • Nhòe mắt, nhìn mờ
  • Nhạy cảm với ánh sáng hay tiếng động
  • Sốt
  • Khó đi lại hay nói chuyện
  • Đau tăng dần khi hoạt động

Bạn nên ghi chép lại những cơn đau đầu vào sổ nhật kí để theo dõi tất cả triệu chứng, điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị cơn đau đầu của bạn tốt hơn.

Nguyên nhân gây đau đầu

Bạn có thể bị đau đầu do một trong các nguyên nhân sau:

Ung thư: một số loại ung thư có thể gây đau đầu, gồm có:

  • Ung thư não và tủy sống
  • Ung thư tuyến yên
  • Ung thư họng trên, còn được gọi là ung thư mũi-họng
  • Một số dạng u lympho (lymphoma)
  • Ung thư di căn lên não

Các bệnh nhiễm trùng: Bệnh viêm xoang và viêm màng não cũng có thể gây đau đầu. Viêm xoang là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở vùng xoang – là khoang trống thông nhau trong vùng xương mặt xung quanh mũi. Viêm màng não xảy ra khi màng bảo vệ che phủ não bộ và tủy sống bị sưng phù.

Các biện pháp điều trị ung thư cũng có thể gây đau đầu:

  • Một vài thuốc hóa trị như: fluorouracil (5-FU, Adrucil) and procarbazine (Matulane).
  • Xạ trị vùng não.
  • Liệu pháp miễn dịch: là biện pháp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư.

 Các loại thuốc khác: các loại thuốc điều trị bệnh lý khác hoặc điều trị triệu chứng phụ của ung thư như:

  • Thuốc kháng sinh, dùng khi điều trị nhiễm trùng.
  • Thuốc chống nôn, dùng khi phòng tránh hoặc điều trị chứng nôn.
  • Thuốc tim mạch.

Các triệu chứng phụ của điều trị ung thư hoặc các tình trạng bệnh khác có thể dẫn tới đau đầu:

  • Thiếu máu, suy giảm hồng cầu.
  • Tăng can-xi trong máu.
  • Giảm tiểu cầu.
  • Mất nước: Tình trạng cơ thể bị mất nước quá nhiều, có thể do nôn quá nhiều hoặc tiêu chảy.

Các tác nhân gây đau đầu khác gồm có:

  • Căng thẳng
  • Mệt mỏi
  • Lo âu
  • Khó ngủ

Chẩn đoán đau đầu

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, bệnh sử, kiểm tra thể trạng, từ đó xác định loại đau đầu và nguyên nhân của nó.

Bạn cần báo cho bác sĩ nếu cơn đau đầu của bạn:

  • Xảy ra thường xuyên, dữ dội.
  • Khiến bạn tỉnh dậy giữa đêm.
  • Thay đổi tính chất hay tần suất xuất hiện.
  • Mới bị đau đầu hoặc cơn đau có biểu hiện triệu chứng mới.

Để giúp xác định nguyên nhân đau đầu, bác sĩ có thể sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu.
  • Chụp cắt lớp (CT), để thiết lập hình ảnh 3D các bộ phận bên trong cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI não, kĩ thuật sử dụng từ trường để thiết lập hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể.
  • Các loại xét nghiệm khác tùy thuộc vào các đặc điểm và triệu chứng của cơn đau.

Điều trị và kiểm soát cơn đau đầu

Các bác sĩ thường sẽ cố gắng điều trị nguyên nhân gây ra cơn đau đầu trước khi điều trị triệu chứng.

Dùng thuốc

Những loại thuốc sau có thể ngăn chặn và chữa trị đau đầu hoặc làm dịu cơn đau:

  • Thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin)
  • Thuốc giảm đau bán theo đơn có thành phần ma túy, ví dụ codeine
  • Thuốc chống trầm cảm Tricyclic
  • Thuốc dòng triptan như sumatriptan (Alsuma, Imitrex, Zecuity)
  • Thuốc dòng steroid, đặc biệt dùng cho các chứng đau đầu do ung thư di căn não
  • Thuốc kháng sinh: dùng cho đau đầu do nhiễm trùng gây ra

Bạn cũng cần nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc trị đau đầu nào bạn tự mua ngoài quầy thuốc.

Một số biện pháp khác

Những mẹo nhỏ sau có thể giúp làm giảm triệu chứng và tần suất cơn đau:

  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn uống đầy đủ
  • Giảm căng thẳng
  • Bên cạnh đó, một số phương pháp hỗ trợ cũng có thể giúp giảm nhẹ cơn đau hoặc phòng tránh đau đầu như:
  • Châm cứu: sử dụng những mũi kim nhỏ cắm vào những điểm nhất định trên cơ thể
  • Mát xa
  • Tưởng tượng thị giác: âm nhạc có thể khiến người nghe tưởng tượng ra các hình ảnh, kích thích tạo ra cảm xúc từ đó làm dịu cơn đau hoặc phòng ngừa cơn đau.
  • Thư giãn, thả lỏng
  • Hãy nhớ rằng bạn cần phải nói với những bác sĩ của mình nếu bạn sử dụng các biện pháp này để chữa bệnh đau đầu

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/headaches