Cuộc chiến chống ung thư là cuộc chiến với chính mình
14:43 - 01/04/2020
Viết tặng các bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh ung thư, nhân ngày GS. Honjo Tasuku, Đại học Kyoto nhận giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 về những phát hiện liên quan tới điều trị miễn dịch.
Cuộc chiến ung thư là cuộc chiến với chính mình
“Đánh chuột mà không vỡ bình” là mục tiêu, ước mơ không hề sai trong điều trị ung thư, và các bác sĩ và các nhà khoa học vẫn đang ngày đêm tìm tòi thêm cách mới. Để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài thuốc men và chiến lược phối hợp các vũ khí điều trị, bệnh nhân cần hiểu rằng cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến với chính mình, từ việc tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ thuốc lá rượu bia cho tới chăm chỉ tập thể dục và ăn ngủ điều độ,….Tất cả những việc trên đều liên quan tới việc thay đổi chính mình; đó là một cuộc đấu tranh chống lại thói quen/tính ì của bản thân mà tế bào ung thư sợ nhất là ý chí và thay đổi đó!
Tôi năm nay 38 tuổi, là một bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn 4b khi phát hiện ra đã di căn gan và di căn phổi. Sau khi phát hiện đã tiến hành phẫu thuật và điều trị hóa chất nặng 16 lần tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Vì ở giai đoạn cuối nên tế bào ung thư của tôi đã phát triển rất mạnh, trải qua 16 lần điều trị tại viện K Tân Triều tôi đã 2 lần kháng thuốc. Tháng 8 năm 2018 tôi cảm thấy mình yếu dần đi, có dấu hiệu khó thở. Trong chưa đầy một tháng khối u của tôi to lên 2cm. Là một người đã từng học toán tôi hiểu tế bào ung thư sinh trưởng theo quy luật hàm mũ thì kích thước sẽ tăng lên rất nhanh, nếu tôi không làm gì tôi sẽ chết vì khối u chèn ép lên các nội tạng khác trong cơ thể. Không chấp nhận được việc mình có thể chết trẻ như vậy vì con tôi còn quá nhỏ. Tháng 9 năm 2018 tôi xin ra viện, chuyển sang một bệnh viện khác nút mạch. Đó là một quyết định rất mạo hiểm đối với tôi tại thời điểm đó vì khối u di căn ở gan của tôi đã to 12.5 cm, tuy mạo hiểm đánh cược mạng sống của mình nhưng tôi biết tôi không thể đợi được nữa. Đằng nào cũng chết nên tôi vẫn có một niềm hy vọng mong manh biết đâu nút mạch hiệu quả truyền hóa chất vào bệnh của tôi có thể kéo dài thêm thời gian cho tôi ở bên con. Giữa tháng 9 tôi nút mạch, mọi việc diễn ra khá thuận lợi và tốt đẹp nhưng do sức yếu nên sau khi nút mạch xuất viện về nhà tôi bị sốt virus, sốt cao 39, 40 độ cứ hết thuốc hạ sốt lại sốt lại ngay liên tục trong 1 tuần. Giữa lúc nghĩ có thể tôi không qua khỏi may mắn thì kéo dài được vài tháng nữa thôi, tôi lang thang Facebook đọc được bài viết "Cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến với chính mình" của bác sỹ Phạm Nguyên Quý qua chia sẻ của một người bạn của tôi thời đại học đã từng là du học sinh tại đại học Tokyo. Bằng cách diễn đạt hết sức gần gũi bác sỹ đã truyền đạt một công trình y học đoạt giải Nobel một cách rất dễ hiểu với một người ngoài ngành như tôi.
Tôi hiểu rằng cơ thể con người tự nhiên đã được tạo hóa tạo cho một hệ miễn dịch cơ chế tự chống chọi với bệnh tật và y học hiện đại vẫn đang nghiên cứu để đánh thức hệ miễn dịch đang bị ru ngủ để cơ thể tự chống lại bệnh ung thư. Khác với những bệnh nhân khác khi nghe thông tin về giải thưởng Nobel y học năm 2018 là quan tâm liệu bao giờ Việt Nam có thuốc, tôi lại suy nghĩ khác.Tôi nhẩm tính chi phí điều trị 120 triệu cho một liệu trình 3 tuần như vậy một năm sẽ mất khoảng 2 tỷ cho tiền thuốc chưa kể các chi phí ăn uống sinh hoạt khác mà một năm chắc gì đã khỏi bệnh. Vừa nhẩm qua tôi đã biết tôi không thể có đủ kinh phí để điều trị theo phương pháp này. Tuy nhiên khi đọc bài viết của anh Quý tôi đặc biệt thích đoạn kết: “Đánh chuột mà không vỡ bình” là mục tiêu, ước mơ không hề sai trong điều trị ung thư, và các bác sĩ và các nhà khoa học vẫn đang ngày đêm tìm tòi thêm cách mới. Để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài thuốc men và chiến lược phối hợp các vũ khí điều trị, bệnh nhân cần hiểu rằng cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến với chính mình, từ việc tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ thuốc lá rượu bia cho tới chăm chỉ tập thể dục và ăn ngủ điều độ,….Tất cả những việc trên đều liên quan tới việc thay đổi chính mình; đó là một cuộc đấu tranh chống lại thói quen/tính ì của bản thân mà tế bào ung thư sợ nhất là ý chí và thay đổi đó! Tôi suy nghĩ rất nhiều về đoạn kết của bài viết. Tôi biết rằng tôi không thể có tiền điều trị thuốc miễn dịch nhưng tôi có thể chăm chỉ tập thể dục, tôi có thể ăn ngủ điều độ, tôi có thể chống lại thói quen và tính ì của bản thân. Lòng tôi tràn đầy quyết tâm phải tự đánh thức hệ miễn dịch đang bị ru ngủ của mình. Ngay ngày hôm sau tôi bắt đầu đứng dậy tập luyện ngay cả khi mình đang sốt, mặc dù mệt tập xong thở không ra hơi nhưng tôi tin là sau đó cơ thể tôi sẽ tốt hơn. Tôi chỉ còn sốt nhẹ và sau một tuần tôi bắt đầu hết sốt.
Giữa tháng 10 năm 2018 tôi nhập vào viện ung bướu HN tiếp tục điều trị hóa chất. Trong quá trình điều trị ngày nào tôi cũng cố gắng hết mình, mỗi ngày tôi đều sống như ngày mai tôi sẽ chết mà không còn sợ hãi. Trải qua 12 lần truyền hóa chất ở Bệnh viện ung bướu Hà Nội, được sự chăm sóc tận tình của bác sỹ và các điều dưỡng bệnh tình của tôi có những chuyển biến tích cực. Sau 1 năm 5 tháng 27 ngày kể từ ngày phát hiện ra mình mắc căn bệnh ung thư quái ác, sau 28 lần điều trị hóa chất nặng bệnh của tôi đã ở giai đoạn ổn định, chất chỉ điểm ung thư đã về bình thường. Bác sỹ của tôi mừng lắm báo tin cho tôi chuyển sang phác đồ duy trì. Tôi hiểu rằng bản chất của ung thư là di căn và tái phát, tuy đã ổn định nhưng nó có thể tái phát bất cứ lúc nào nhưng bây giờ tôi không còn lo lắng một ngày kia nó tái phát nữa vì tôi tin bác sỹ của tôi luôn ở bên tôi, cùng sát cánh bên tôi trên mọi mặt trận chiến đấu với căn bệnh ung thư này. Qua đây tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bác sỹ Phạm Nguyên Quý người đã truyền cho tôi một động lực để tôi đứng dậy chiến đấu với Ung thư cũng như chiến đấu để chiến thắng chính mình. Xin được đăng lại bài viết của anh Quý ở đây để tiếp tục truyền đi động lực ấy cho các bệnh nhân ung thư khác. Tôi làm được bạn cũng sẽ làm được